Chắc hẳn tuổi thơ của ai cũng trải qua một buổi sáng khi mà vừa mở mắt ra là đã bị mẹ bắt ăn quả vải, quả mận,… và mẹ bảo ăn để diệt sâu bọ. Thì ngày hôm đó chính là ngày Tết Đoan Ngọ – Một ngày lễ lớn và quan trọng của người dân nước Việt Nam chúng mình.
Nhiều bạn vẫn đang không biết Tết Đoan Ngọ là gì? Có ý nghĩa như thế nào và những gì mọi người thường làm trong ngày đó là gì? Nếu bạn vẫn đang thắc mắc về những vấn đề trên thì hãy cùng Nut Corner tìm hiểu thông qua bài viết thú vị dưới đây nhé!
Tết đoan ngọ là gì?
Tết Đoan Ngọ là Tết chung của một số quốc gia có ảnh hưởng bởi văn hóa của nước Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Lễ Tết Đoan Ngọ còn mang những ý nghĩa đặc biệt khác. Mỗi năm một lần vào mùng 5 tháng 5 (âm lịch) người dân Việt Nam ta lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ.
Ngày tết này còn có một tên gọi khác là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ ở đây chỉ thời điểm đầu giữa trưa (Đoan: bắt đầu, Ngọ: buổi trưa) và Dương có nghĩa là mặt trời, hay dương khí, dó đó Đoan dương tức là khoảng thời gian bắt đầu khi khí dương đang thịnh. Vậy Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ đâu, nguồn gốc của ngày lễ này có gì thú vị? Hãy cùng Vườn Hạt tìm hiểu trong phần tiếp theo đây nhé!
Nguồn gốc tết đoan ngọ
Như đã nói ở trên, Tết Đoan Ngọ là Tết chung của một số quốc gia Đông Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc như Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được biết đến với cái tên khá dân dã đó là ngày diệt sâu bọ”. Nói một cách đơn giản, đây là ngày mọi người tổ chức bắt côn trùng, tiêu diệt sâu bọ gây bệnh hại cho cây trồng, vật nuôi.
Tương truyền, sau khi thu hoạch mùa màng, những người nông dân sẽ ăn mừng vì mùa màng bội thu, nhưng năm đó côn trùng lại kéo đến và phá hoại, ăn hết những loại trái cây lương thực thu được khiến người dân đau đầu không biết làm cách nào để xử lý được nạn sâu bọ này.
Trong lúc đó, bỗng nhiên xuất hiện một ông lão tự xưng là Đôi Truân từ phương xa đi đến. Ông chỉ cho người dân mỗi nhà làm một lễ đàn để cúng trong đó có các lễ vật đơn giản gồm bánh tro và hoa quả, sau đó ra trước sân nhà để vận động thể dục.
Mọi người làm theo lời ông lão thì ngay sau đó đám côn trùng bỗng nhiên té ngã rã rượi. Ông lão cho biết thêm: Mọi năm vào ngày này côn trùng rất hung dữ nên chỉ cần làm những gì tôi đã nói thì sẽ trị được chúng. Để tưởng nhớ ngày này, người ta gọi ngày mùng 5 tháng 5 hằng năm là ngày “Tết giết sâu bọ”, có người gọi là Tết Đoan Ngọ vì thời gian cúng thường là vào buổi trưa.
Ý nghĩa tết mùng 5 tháng 5
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được người dân gọi với cái tên dân dã là ngày diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt gọi Tết Đoan Ngọ là “Tết giết sâu bọ” vì sở dĩ đây là trong giai đoạn chuyển mùa, tiết trời thay đổi nên dịch bệnh, côn trùng rất dễ phát sinh. Vào ngày này, người dân có tổ chức nhiều phong tục để phòng trừ dịch bệnh.
Hiện nay, một số làng quê Việt Nam vẫn rất xem trọng ngày Tết này với những phong tục, món ăn đặc biệt chỉ trong ngày lễ này mới có.. Sau ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của Việt Nam, Tết “Giết sâu bọ” có lẽ là ngày Tết thứ hai sum họp và đầm ấm nhất, có nhiều phong tục ý nghĩa gắn bó lâu đời với người Việt Nam. Do vậy, trong ngày này, con cháu dù có đi làm xa đến đâu cũng cố gắng thu xếp để trở về ăn tết cùng gia đình.
Vào ngày này, làng xóm đều rất nhộn nhịp, nhà nhà đều dậy sớm chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, hoa quả là thứ lễ vật được người dân bày biện nhiều nhất. Đây là thời điểm đơm hoa kết trái nên người ta quan niệm rằng làm lễ cúng gia tiên để mong muốn một mùa màng bội thu. Sau lễ cúng thì sẽ đến các tục lệ giết sâu bọ, cả nhà quây quần bên nhau để ăn quả chua, rượu nếp, bánh tro,… với quan niệm để diệt trừ sâu bộ và xua đuổi mọi bệnh tật, dịch bệnh,…
Một số phong tục ngày tết đoan ngọ
Theo phong tục, người dân ở các vùng quê sẽ ra đồng hái lá vào lúc 12 giờ trưa ( giờ Ngọ). Đây được quan niệm là thời điểm dương khí tốt nhất, là thời điểm mà mặt trời tỏa ra ánh nắng tốt nhất trong năm. Những chiếc lá được thu hoạch vào giờ này sẽ có tác dụng chữa bệnh rất tốt các bệnh như ngứa ngoài da, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường ruột hay cảm mạo, lấy lá thuốc này đem đun để xông người giải cảm rất hiệu quả.
Ngày xưa, vào ngày này còn có tục nhuộm móng tay, móng chân, hay treo ngải cứu để xua đuổi ma quỷ … Trẻ sơ sinh chưa biết đi được bôi một ít vôi vào thóp, vào ngực và rốn để tránh không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, đến ngày nay thì hầu hết các tục lệ này đều đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại 2 tục lệ phổ biến nhất là tắm nước lá và hái lá thuốc.
Ở thôn quê thì vậy, nhưng ở thành phố, thị trấn thì không còn nhiều vườn cây nên người dân không thể đi hái lá thuốc. Thay vào đó họ có tục mua lá thuốc vào ngày Tết Đoan Ngọ hằng năm. Dịp này, các thương lái từ quê sẽ mang lên các loại lá thuốc để bán.
Lá được cắt nhỏ ra, tách thành từng loại, người đi chợ sẽ chọn những loại lá có hương vị yêu thích, đến trưa mùng 5 mang ra phơi nắng cho khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc, phòng khi trong nhà có người đau ốm thì mang ra dùng.
Những món ăn trong Tết Đoan Ngọ
Những món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ thì thường khác nhau do truyền thống của từng vùng miền. Tuy nhiên, vào ngày này, ngoài hoa quả, người dân còn sum vầy và ăn uống với nhau những món ăn hết sức đặc biệt có thể kể đến dưới đây:
Bánh tro (Bánh ú tro)
Với phần nếp để làm bánh được ngâm trong nước tro ( nước đốt từ các loại cây khô) nên bánh ú tro có mùi thơm rất lạ, rất đặc trưng mà không giống các loại Bánh ú khác.
Bánh tro được làm theo hình chóp tam giác nhỏ, được gói trong một lớp lá tre hoặc lá chuối rồi đem hấp cho đến khi chín dẻo, mềm, thơm. Bánh là sự kết hợp của gạo nếp tro có mùi thơm lạ và đậu xanh ngọt bùi, béo ngậy vô cùng hấp dẫn. Bánh tro đôi khi cũng được làm không có nhân và được ngâm với mật mía ngọt, thơm mang đến một hương vị ngọt, thơm và ngon đến khó tả.
Thịt vịt
Ở miền Trung, thịt vịt chính là món ăn mà người dân ở đây hay ăn nhất trong dịp Tết Đoan Ngọ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại chuộng món này đến vậy, thịt vịt mang tính hàn, giúp cơ thể hạ nhiệt, mát mẻ hơn trong những ngày đầu hè. Ngoài ra, thời điểm đầu tháng 5 là lúc vịt vào mùa nên có thịt dày, thơm, ngon và săn chắc hơn.
Đối với thịt vịt, bạn có thể chế biến không chỉ một mà thành hàng trăm những món ăn cực kỳ ngon. Có thể chọn vịt quay với lớp da giòn tan, thịt bên trong thơm lừng, mềm. Cũng có thể chọn cháo vịt để thưởng thức vị ngọt, thơm với thớ thịt mềm, dai hấp dẫn. Có rất nhiều gợi ý hay ho nữa như mì vịt tiềm, bún măng vịt hay vịt nấu chao cũng đều là những món vịt rất hấp dẫn mà bạn nên bỏ qua trong mùng 5 tháng 5 đó.
Cơm rượu nếp
Thông thường, vào ngày Tết Đoan Ngọ hàng năm, cơm rượu nếp sẽ được ăn vào sáng sớm sau khi vừa mới thức dậy. Mọi người tin rằng những loại vi khuẩn trong dạ dày của chúng ta sẽ được loại bỏ bởi các thực phẩm có tính chua, chát. Vậy nên món cơm rượu nếp là món ăn ưu tiên hàng đầu trong dịp này.
Cơm rượu nếp được tạo nên từ nếp nguyên hạt được nấu chín thành xôi, sau đó cho lên trên một lớp men rồi ủ trong liên tục ba ngày. Thúng xôi được đặt trên một chiếc chậu để có thể chắt lấy nước rượu, khi ăn trộn với cơm để tạo nên vị cay nhẹ và ngọt thơm rất dễ chịu, dù già hay trẻ cũng đều có thể thưởng thức được bởi món này có vị ngọt thanh, chua nhẹ và mùi thơm nếp rất hấp dẫn.
Chè trôi nước
Đây tuy là một món ăn bình dị nhưng rất đặc biệt, chè trôi nước được người dân nước ta yêu thích và bày biện trong nhiều dịp lễ quan trọng trong năm như 23 tháng Chạp tiễn ông Táo về chầu trời, Tết Hàn thực, … Vì vậy Tết Đoan Ngọ chắc chắn không thể thiếu món ngon này.
Những viên chè có hình tròn, nhiều màu sắc đẹp bắt mắt. Bên trong viên chè tròn là nhân đậu xanh dẻo ngọt kết hợp với nước đường thơm lừng và nước cốt dừa béo ngậy. Chỉ cần nghĩ đến đó thôi cũng khiến bạn muốn ăn ngay một chén rồi nhỉ!
Cơm gạo nếp
Đây cũng là món ăn thú vị được nhiều người yêu thích trong ngày Tết Đoan Ngọ, Cơm gạo nếp có thể được nấu như cơm trắng đơn thuần và từ các loại gạo nếp như: nếp cái hoa vàng, nếp lứt, nếp nương, nếp cẩm,… cũng với nước và một chút muối.
Cách nấu cơm gạo nếp cũng tùy theo từng vùng miền khác nhau, nhiều nơi nấu cơm gạo nếp với nhiều nguyên liệu khác tương tự như cách nấu xôi ( cho thêm đậu phộng, bắp, đậu đen, đậu xanh hay nấu với nước cốt dừa, nước luộc gà, nước ninh xương,…). Khi ăn sẽ cảm nhận được một mùi thơm nếp đặc trưng cùng với vị ngọt bùi từ các loại hạt, tuy đơn giản nhưng vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.
Hoa quả
Trong bất kỳ dịp lễ tết nào của người dân Việt Nam cũng không thể thiếu một mâm hoa quả đủ màu sắc chứa đựng những loại quả ngon nhất mùa. Không chỉ đẹp nhờ màu sắc hài hòa mà còn đặc biệt bởi hương vị của các loại trái cây đầu mùa như chôm chôm, xoài, mận, dưa hấu, vải,.. rất thơm ngon. Người dân bày biện một mâm cúng trái cây thịnh soạn để cầu mong cho một năm mới tiêu trừ mầm bệnh và trái cây sinh sôi, nảy nở tốt hơn.
Bài văn khấn tết đoan ngọ
Trước khi tìm hiểu về bài văn khấn cúng Tết Đoan Ngọ thì chúng ta cần chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên gồm có: Vàng mã, hương, hoa, rượu nếp, nước, trái cây. Gia chủ còn có thể làm hoặc mua thêm Bánh tro và chè trôi nước hoặc chè sen để mâm cúng đầy đủ hơn.
Bài văn khấn ngày Tết Đoan Ngọ:
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ con (chúng con) là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy).
Những điều nên và không nên làm ngày Tết Đoan Ngọ
-
Những điều nên làm
Theo truyền thống, mọi người thường sẽ thực hiện những nghi lễ sau đây vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch, tức vào ngày Tết Đoan Ngọ mỗi năm:
Tiêu diệt sâu bọ
Tổ tiên của chúng ta tin rằng vào ngày Tết Đoan Ngọ truyền thống mỗi năm, chúng ta có thể giết côn trùng bằng cách ăn thức ăn. Người miền Bắc thường tiêu diệt sâu bọ vào sáng sớm ngay khi thức dậy cơm rượu nếp, bánh tro hoặc hoa quả như mận, vải,… Trẻ con khi vừa ngủ dậy, còn nằm trên giường, thì sẽ cho ăn ngay những món ăn này, có thể kèm theo trứng luộc, lấy hùng hoàng bôi vào thóp đầu, ngực, rốn để giết sâu bọ, rồi rửa mặt và tay chân.
Người lớn thì khi ngủ dậy không nên đặt chân xuống đất ngay mà nên súc miệng ba lần để đuổi côn trùng, sau đó ăn một quả trứng vịt lộn luộc. Sau đó mới được bước chân ra khỏi giường, tiếp đến sẽ uống một ít rượu hoặc ăn một bát cơm rượu nếp để côn trùng say, sau đó tiếp tục ăn trái cây làm cho côn trùng chết.
Cúng Tết Đoan ngọ
Mỗi nhà sẽ chuẩn bị môn mâm lễ cúng bao gồm: Hương, hoa, vàng mã, rượu nếp, nước các loại hoa quả tươi như mận, dưa hấu, hồng xiêm, vải, chuối…, bánh tro, chè trôi nước, chè hạt sen,.. Tùy theo điều kiện mà mỗi gia đình có thể thêm hoặc bớt các món cho phù hợp.
-
Những điều kiêng kị
Đây là những điều kiêng kỵ từ ngày xưa mà ông cha ta đã đề ra để tránh xui xẻo, giữ gia đạo bình an, ngày nay người ta vẫn hay nói đến nhưng không được được áp dụng như xưa vì những điều kiêng kỵ này không có cơ sở khoa học.
Không để giày dép lộn xộn
Ông bà ta cho rằng không được để dép lộn xộn trong ngày này là vì từ giày dép trong tiếng Hán đồng âm với chữ “tà” nên lung tung thì sẽ dễ hấp thu tà khí. Vì vậy, trong ngày này mọi người thường xếp giày dép ngay ngắn, để mũi giày hướng ra ngoài để tránh làm ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình mình.
Không soi gương sau 12h đêm
Người ta cho rằng vào ngày 5 tháng 5 âm lịch tức ngày tết Đoan Ngọ không nên soi gương nửa đêm vì lúc này âm khí đang hoạt động mạnh hơn, khi bạn soi gương hoặc chụp ảnh sẽ rất dễ bị hấp thụ âm khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay những hiện tượng khó giải thích có thể phát sinh.
Tránh làm rơi tiền
Theo ông bà ta quan niệm từ xưa, nếu làm rơi hay mất tiền trong ngày Tết Đoan ngọ là điềm báo cho sự mất mát tài lộc, vì vậy trong ngày này dù đi đâu cũng phải bảo vệ cẩn thận tài sản và tiền bạc nhé.
Tránh đứng ở nơi âm u
Vào ngày này, các cụ thường khuyên khi ra khỏi nhà không nên dừng chân hay đứng ở những nơi u ám, nơi có nhiều tà khí không tốt như nghĩa trang hay bệnh viện,… vì nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Thực tế, điều này khá đúng vì những nơi này có thể chứa mầm bệnh, do đó bạn cũng nên hạn chế đến chứ không riêng gì vào ngày tết Đoan Ngọ.
Vậy là Nut Corner đã cùng bạn tìm hiểu Tết Đoan Ngọ là ngày gì cũng như ý nghĩa của ngày lễ Tết này tại Việt Nam ta. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn khi tìm hiểu về ngày Tết Đoan Ngọ – Một trong những ngày lễ quan trọng của nước ta.