Trong tâm tư của những người con xa quê, miếng bánh chưng ngày Tết thật xa xỉ. Bởi vì tìm kiếm nguyên liệu để làm chiếc bánh chưng đã khó, đặc biệt là tìm mua lá dong cũng chẳng dễ. Cách gói bánh chưng bằng lá chuối dưới đây của Nut Corner chắc chắn sẽ giúp bạn cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon, trọn vị không kém bánh gói bằng lá dong.
Phong tục gói bánh từ xưa
Phong tục gói bánh chưng ở Việt Nam gắn với truyền thuyết từ thời Vua Hùng, nó mang giá trị văn hóa truyền thống trường tồn với thời gian. Trải qua ngàn năm Bắc thuộc và thời kỳ đô hộ của các nước thực dân phương Tây, phong tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết của dân tộc ta vẫn không hề mai một trong tâm thức mỗi người con đất Việt.
Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ gia đình người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại cùng nhau gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.
Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” đã xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (còn gọi là các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm ra món lễ vật dâng lên tổ tiên mà hợp ý với nhà vua nhất sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các vị quan Lang đã lên rừng, xuống biển để tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Riêng chàng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang của nhà vua, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, mà đã dùng trực tiếp những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và cả lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho bầu trời tròn và mặt đất vuông (còn thường gọi là bánh chưng và bánh dày) để làm lễ vật dâng vua cha. Lễ vật của Lang Liêu hợp đã với ý vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi lại cho Lang Liêu… Từ đó bánh Chưng, bánh dày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng nhằm để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông.
Trong xã hội hiện nay, nhiều phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng tập quán gói bánh chưng xa xưa vẫn được người Việt lưu giữ tới nay và mãi về sau. Một nét đẹp truyền thống nhất định phải có mỗi dịp Tết đến xuân về, khi mọi người cùng nhau ngồi bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa cùng nhau sum vầy, hưởng thụ bầu không khí ấm áp và đoàn tụ.
Cách chọn nguyên liệu ngon
Để thực hiện cách gói bánh chưng bằng lá chuối thành công nhất, cho ra lò những chiếc bánh dẻo vị nếp, thơm vị đậu thì nhất định phải chọn mua được nguyên liệu tốt nhất. Nguyên liệu phải phù hợp để nấu bánh chưng, nếu không vị truyền thống của bánh sẽ không giữ được.
Lá chuối
Để gói được bánh chưng xanh đẹp, ta nên chọn lá chuối không quá già và cũng không quá non. Khổ lá chuối có độ rộng vừa phải, mỗi bánh chưng sẽ dùng 4 chiếc lá. Trước khi gói bánh chưng, bạn cần ngâm lá chuối vào một chiếc chậu hoặc thau to chừng 30 – 45 phút. Sau đó dùng khăn mềm và sạch để cọ rửa cả hai mặt lá chuối cho sạch. Lá rửa xong rồi thì bạn dựng lên cho ráo nước. Dùng chiếc khăn khô, sạch khác để lau lá chuối cho thật khô, dùng dao sắc để cắt bớt gân lá chuối cho lá mềm, dễ gói rồi mới bắt đầu gói bánh chưng nhé.
Lạt
Để làm bánh chưng vuông vắn, chắc chắn khi luộc thì lạt cũng là yếu tố không thể thiếu. Chọn lạt gói bánh chưng: nên mua loại lạt dang, mỏng, có độ mềm và dẻo dai. Mỗi một chiếc bánh sẽ cần khoảng 2 – 4 chiếc lạt tuỳ bạn muốn buộc hình chữ thập (cần 2 lạt) hay hình vuông (4 dây lạt) trên bánh.
Gạo nếp
Gạo nếp ngon chính là nguyên liệu quan trọng nhất để làm nên cốt bánh chưng. Khi chọn gạo nếp để nấu bánh chưng thì bạn hãy chọn loại nếp có hạt phải đều, mẩy và ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, loại này vừa thơm vừa dẻo. Loại gạo nếp nương của Điện Biên cũng là lựa chọn tốt, rất thơm ngon. Gạo phải ngâm ít nhất khoảng 8 tiếng rồi mới đãi sạch sạn, để cho ráo nước mới gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo, tuỳ theo độ to nhỏ mà bạn thích.
Đậu xanh
Cách làm nhân bánh chưng ngon nhất: Chọn mua loại đậu xanh tiêu, hạt đậu nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Xay vỡ đậu xanh rồi bạn ngâm trong nước chừng 1 – 2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, đồ cho chín, đánh tơi lên để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường để cách gói bánh chưng bằng lá chuối là 8 gạo : 2 đậu. Loại đậu này bạn có thể mua tại các chợ quê vì chất lượng sẽ tốt hơn.
Thịt ba chỉ
Nhân thịt để làm bánh chưng: Chọn mua loại thịt ba chỉ hoặc loại thịt vai sấn thì mới ngon. Không nên chọn mua loại thịt quá nạc. Thịt mua về rửa sạch, thái thành các miếng dài chừng 5 đến 7cm, dày chừng 0,5 cm, sau đó ướp muối tiêu cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối dễ dàng không cần khuôn
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối này sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề khan hiếm lá dong mùa tết. Vì không phải lúc nào bạn cũng có thể mua được lá dong. Thậm chí khi ở Việt Nam vào những ngày mùa hè, lá dong còn thường là nguyên liệu khó tìm ở những khu chợ. Bên cạnh đó, với những gia đình không sở hữu một vài chiếc khuôn gỗ thì cũng đừng lo, dưới đây sẽ là hướng dẫn tường tận cách gói bánh chưng bằng lá chuối không dùng khuôn mà bánh vẫn vuông vắn, chắc nịch.
Nguyên liệu
(Nguyên liệu dưới đây được đong đo chỉ đủ để gói từ 2-3 cái bánh chưng vuông, do vậy nếu bạn muốn làm với số lượng lớn, thì chỉ cần nhân theo tỷ lệ.)
1 kg gạo nếp
400 gram đỗ xanh đãi vỏ
500 gram thịt lợn ba chỉ
1 bó lá chuối tươi
1 bó lạt chẻ mỏng
Gia vị nêm nếm: muối, hạt nêm và tiêu xay
Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp sau khi vo sạch sẽ sau đó bạn ngâm cùng 300ml nước lọc trong khoảng 6-8 tiếng hoặc có thể ngâm qua đêm. Đỗ/đậu xanh thì bạn cũng vo sạch và ngâm trong khoảng thời gian ngắn hơn, chỉ cần từ 4-5 tiếng là đủ. Lưu ý: Nếu muốn bạn bánh có màu xanh đẹp hơn thì có thể ngâm gạo nếp với nước cốt lá dứa qua đêm.
Thịt ba chỉ sau khi mua, bạn cắt thành từng thớ dài vừa ăn. Sau đó ướp chung với 1 muỗng cà phê muối, khoảng 1 muỗng cà phê tiêu xay, nửa muỗng cà phê hạt nêm và một chút đường trắng. Trộn đều thịt với gia vị và ướp để tủ lạnh từ 1-2 tiếng trước khi gói.
Vớt gạo nếp và đậu xanh ra và để ráo nước khi đã thấy mềm và đủ lượng thời gian. Cho tiếp 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng cà phê đường vào gạo nếp, nhớ là trộn đều tay. Cho thêm 1 muỗng cà phê muối vào phần đỗ xanh để nhân bánh đậm đà.
Rửa sạch từng tàu lá chuối đã chuẩn bị sau đó lau thật khô. Sau đó bạn cắt lá chuối thành hình chữ nhật to. Lưu ý: bạn phải tránh để lá chuối còn ướt khi gói. Lau nhẹ tay thôi nhé vì lá chuối dễ rách hơn lá dong. Đặt lá chuối lên mâm lớn hoặc bất cứ bề mặt phẳng nào. Lấy đủ 4 lá chuối và bạn xếp xen kẽ nhau tạo thành hình chữ thập (tuần tự dọc – ngang – dọc – ngang).
Đổ nửa bát gạo nếp vào, thêm vào đó 2 muỗng đậu xanh và đặt lên một miếng thịt. Tiếp đó bạn hãy lấp thịt bằng thìa đậu xanh và nửa bát gạo nếp. Tiến hành gấp 2 bên đối diện của hình chữ thập vào với nhau sao cho chúng tạo được thành hình vuông. Lúc này, bạn sử dụng dây lạt mỏng cố định để cho các lớp lá được bó chặt lại với nhau.
Cứ tiến hành các bước như vậy với những chiếc bánh tiếp theo. Sau đó xếp bánh vào nồi cho ngay ngắn và đổ nước ngập bề mặt của bánh. Thời gian nấu bánh chưng thường sẽ kéo dài từ 8 – 10 tiếng. Lưu ý: Hãy thường xuyên kiểm tra mực nước trong nồi. Liên tục đổ thêm nước sạch vào để bánh luôn ngập bề mặt.
Thành phẩm
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối dễ dàng không cần khuôn có thể nấu thành phẩm ra sẽ không được vuông vức, góc cạnh nhưng đảm bảo bánh vẫn có được màu xanh rờn và thơm ngon nếu như thực hiện đúng các bước trên. Thịt ba chỉ mùi vị béo thơm lừng hoà quyện cùng cốt bánh dẻo quyện. Hương vị này không thể thiếu trong ngày lễ Tết cổ truyền.
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối bằng bìa carton
Gói theo cách gói bánh chưng bằng lá chuối này, 1 bánh chưng sẽ cần sử dụng khoảng 3 chiếc lá chuối (bạn sẽ cắt thành các miếng nhỏ hơn), 1 hộp carton và 1 sợi dây ni-lông dài khoảng 2.5m.
Cắt hộp carton
Chọn 1 hộp carton dày thì khuôn bánh sẽ cứng cáp hơn bạn nhé. Tùy theo độ to, nhỏ của chiếc bánh chưng bạn muốn, hãy chọn hộp carton to hay nhỏ tùy theo. Trong bài hôm nay, sẽ hướng dẫn sử dụng hộp có kích cỡ vuông 9*9 cm và chiều cao khoảng 5.5cm.
Cắt lá và xếp lá
Dùng khăn sạch để lau lá chuối, sau đó đem lá này đi phơi nắng gắt khoảng 10 – 15 phút cho lá héo bớt. Cắt lá theo chiều dọc thành 6 miếng lá lớn có chiều ngang là 9cm (sao cho cùng kích thước với hộp carton), chiều dài khoảng 30 – 35 cm và 4 miếng nhỏ có chiều ngang là 5.5cm (cạnh này kích thước với chiều cao của hộp).
Gấp đôi 1 miếng lá lớn sao cho 2 mặt lá đậm sẽ úp vào nhau. Luồn qua 1 cạnh của hộp bạn rồi gập lá phía trên xuống theo cạnh hộp. Thực hiện quy trình tương tự như vậy với 3 miếng lá lớn còn lại.
Với 2 miếng lá lớn còn lại, bạn hãy đặt chéo nhau vào giữa hộp, với mặt lá đậm ngửa lên trên. Với 4 miếng lá nhỏ hơn, bạn gấp đôi rồi hãy đặt nếp gấp vào 4 góc vuông của hộp.
Xếp nhân và gói bánh
Dàn đều các nguyên liệu vào khuôn bánh lần lượt theo tuần tự như sau: 1 lớp gạo nếp, 1 lớp đậu xanh, sau đó 1 lớp thịt heo, 1 lớp đậu xanh và cuối cùng sẽ là 1 lớp gạo nếp. Dùng muỗng để nén các hạt nếp xuống cho các nguyên liệu dính chặt với nhau nhé.
Lần lượt gấp 2 miếng lá lớn ở chính giữa lại. Với 4 miếng lá lớn bên hông, bạn làm như sau. Vắt chéo 1 miếng lá lớn qua 1 bên, rồi dùng tay miết đường xéo của lá, tiếp theo gấp lá vào bánh. Thực hiện với 3 lá lớn còn lại tương tự như vậy theo chiều kim đồng hồ nhé.
Sau đó, bạn úp mặt bánh vừa gấp lại, ngửa phần đáy bánh lên và tiến hành gấp các lá tương tự như trên nhé. Cuối cùng, bạn hãy dùng 1 tay vừa giữ bánh, 1 tay kia nhẹ nhàng nhấc hộp carton ra.
Buộc dây
Luồn 1/4 chiều dài sợi dây ở dưới đáy bánh, đặt dây hơi lệch qua bên phải. Dùng mảnh dây dài xoắn 90 độ với mảnh dây ngắn rồi bạn luồn sợi dây dài đi dưới đáy bánh lên mặt trên bánh, bạn tiếp tục xoắn 2 dây 90 độ để tạo thành 1 đường song song với sợi dây mà đã buộc trước đó.
Tiếp tục, bạn luồn sợi dây dài đi dưới đáy bánh, xoắn 2 dây 90 độ để tạo thành 1 đường song song với sợi dây trước đó. Vậy là trên mặt bánh đã có 4 đường dây gói đặt chéo nhau, trong đó có 2 đường dây đặt song song với nhau. Cuối cùng, bạn giữ sợi dây dài và quấn 1 đường quanh thân bánh, rồi cột chúng vào với nhau để cố định là được.
Thành phẩm
Chỉ với 1 hộp bìa carton tưởng chừng như bỏ đi và 1 sợi dây dài, chúng ta đã khéo léo thực hiện được cách gói bánh chưng bằng lá chuối vuông vức và đẹp mắt rồi. Sau khi luộc, bánh vẫn sẽ giữ được dáng, vô cùng vuông vức luôn nhé.
Mẹo luộc bánh chưng gói bằng lá chuối chín nhanh bằng nồi áp suất
Thời gian đun bánh, bạn hãy thường xuyên chú ý đến lượng nước trong nồi. Nếu thấy nước không đủ ngập mặt bánh thì châm thêm vào. Nhớ hãy dùng nước sôi, tuyệt đối không được dùng nước lạnh. Nước lạnh sẽ khiến bánh của bạn bị trương lên và không chín.
Đặc biệt muốn làm bánh chưng nấu ra có màu xanh đẹp mắt, bạn lấy lá chuối cắt nhỏ, cho vào máy sinh tố xay sơ qua rồi đổ vào nồi nấu cùng bánh chưng. Hoặc bạn cũng có thể dùng lá chuối vụn lót phía dưới đáy nồi.
Sau khi bánh chín, để khoảng thêm 2 giờ cho đến khi nước còn ấm ấm thì mới vớt ra, bạn lau sạch cặn bụi bám và dùng vật nặng vừa phải đè lên để ép hết nước ra ngoài giúp bánh chắc hơn.
Cách bảo quản dùng để lâu bánh chưng gói bằng lá chuối
Vào ngày Tết, bánh chưng thường được gói với số lượng lớn. Một phần để ăn lâu dài, một phần để dành làm quà cho con cháu mang đi xa. Do vậy nhu cầu bảo quản để bánh chưng không bị mốc, hỏng hay ôi thiu luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Bánh chưng truyền thống luôn có thời hạn bảo quản khoảng 10 ngày. Con số này có thể sẽ giảm đi nếu bạn thực hiện sai các bước khi gói, ví dụ như lá chuối lau chưa khô hay ướp thịt bằng mắm. Để bánh có thể trữ và sử dụng trong thời gian dài, cách duy nhất là để chúng vào ngăn mát tủ lạnh. Khi dùng, bạn có thể đem luộc lại vài phút.
Bên cạnh đó, nếu muốn bảo quản bánh chưng lâu hơn nữa, bạn có thể dùng dụng cụ hút chân không và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ Tết của nhiều gia đình Việt Nam. Bánh chưng mang hương vị Tết nồng nàn đến gần hơn với chúng ta. Nếu không thể gói bánh chưng bằng lá dong thì vẫn có thể chọn cách gói bánh chưng bằng lá chuối thay thế mà bạn vẫn đảm bảo được chất lượng thành phẩm ra lò.
Lưu ý
Trước khi xếp bánh chưng vào nồi, bạn cần phải xếp một lớp cuống lá dong hoặc lá chuối bên dưới để bánh không bị cháy và dính đáy nồi.
Xếp bánh thành các tầng chồng lên nhau cho ngay ngắn và chặt để bánh được giữ cố định, phòng khi nước sôi lên sẽ tạo lực đẩy khiến bánh bị xô đẩy sẽ bị vỡ.
Sau khi nồi bánh chưng đã sôi, bạn nhớ giảm lửa (đối với bánh dùng nồi luộc bếp than, bếp củi) hoặc giảm nhiệt độ (đối với nồi luộc bánh chưng chạy điện).
Lời kết
Như vậy dù nhà bạn không có khuôn chuyên dụng để gói, thực hiện theo cách gói bánh chưng bằng lá chuối này thì bạn vẫn dễ dàng nấu được những chiếc bánh chưng vuông vức, thơm ngon dẻo vị. Hãy thực hiện ngay để khoe tay nghề đảm đang với gia đình mình nhé!