Trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam có rất nhiều dịp lễ quan trọng và Tết nguyên tiêu là một trong số đó. Tuy thường nghe đến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ này. Cùng Nut Corner khám phá những thông tin thú vị về rằm tháng giêng trong bài viết sau đây.
Tết nguyên tiêu là gì?
Tết nguyên tiêu là một trong những lễ hội cổ truyền lớn tại Trung Quốc, còn ở Việt Nam ngày lễ này còn được biết đến với tên gọi Tết Thượng Nguyên. Cả hai cái tên này đều rất thông dụng, dù nhắc Tết nguyên tiêu hay Tết thượng nguyên người ta đều hiểu đây là rằm tháng giêng.
Trong văn hóa Việt Nam, Tết nguyên tiêu có tầm quan trọng không kém gì ngày Tết Nguyên Đán. Ngày lễ này diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch và lễ hội trăng rằm diễn ra trong khoảng một ngày. Bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) xuyên suốt trọn ngày 15 (ngày rằm) cho đến nửa đêm 15 tháng Giêng.
Ý nghĩa tết nguyên tiêu
- Bày tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ: Rằm tháng giêng là thời điểm cả gia đình cùng quây quần cùng tổ chức tết nguyên tiêu. Đây chính là dịp để những người con, người cháu trong gia đình bày tỏ tấm lòng yêu thương thành kính đến ông bà và cha mẹ.
- Một nét văn hóa sinh hoạt tao nhã với ý nghĩa tuyệt vời: Các dịp lễ tết quanh năm là nét đặc trưng tạo nên nền văn hóa Việt Nam. Tết nguyên tiêu với những ý nghĩa nhân văn và sâu sắc là một nét văn hóa sinh hoạt tao nhã truyền đi những thông điệp ý nghĩa.
- Cầu nguyện cho một năm an lành, hạnh phúc: Sau khi đón năm mới thì mọi người sẽ cùng đón tết nguyên tiêu, dâng lên mâm cúng với lời cầu nguyện năm mới an lành, vạn sự hanh thông, cuộc sống hạnh phúc.
- Mang ý nghĩa đoàn tụ, đoàn viên cùng gia đình: Với số đông người không theo tôn giáo chỉ theo phong tục thờ cúng tổ tiên thì rằm tháng Giêng là một ngày rằm lớn với ý nghĩa đoàn viên. Riêng với các Phật tử thì dịp lễ này lại càng thêm quan trọng. Người theo đạo Phật sẽ tổ chức ngày Nguyên tiêu rất lớn với mục đích gieo duyên lành.
Nguồn gốc ngày rằm tháng giêng
Không ai biết chính xác tết nguyên tiêu bắt đầu từ bao giờ, vì sao tháng giêng lại tổ chức ngày rằm lớn như thế. Trong dân gian có lưu truyền 3 truyền thuyết nhằm lý giải cho câu hỏi này.
Dân gian lưu truyền trên 3 truyền thuyết
- Truyền thuyết thứ nhất:
Chuyện kể từ ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga xinh đẹp bay từ trên thiên đình xuống hạ giới. Con thiên nga này bị một người thợ săn ở hạ giới bắn chết. Tức giận vì điều đó, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân của thiên đình xuống nhân gian để hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật vào ngày rằm tháng giêng nhằm trả thù cho thiên nga xấu số.
May mắn thay, một số vị thần tiên trên thiên đình phản đối quyết định nặng tay này của Ngọc Hoàng. Do đó họ đã liều mình xuống hạ giới và tìm cách cứu vớt chúng sinh. Nhà nhà người người đã treo đèn lồng sáng rực để Ngọc hoàng tưởng rằng nhà của họ đã bị đốt. Nhờ thế mà người dân hạ giới đã thoát khỏi kiếp nạn diệt vong.
- Truyền thuyết thứ hai:
Dưới thời Hán Vũ Đế, có một cô gái trẻ sống trong cung, vì luật cấm về thăm cha mẹ nên nàng đã định nhảy xuống giếng tự vấn vào ngày 15 tháng 1. Một vị quan cận thần đã cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của nàng và đề ra một kế hay để giúp đỡ.
Ông tâu với Hán Vũ Đế ngày 16 tháng 1, hỏa thần của thiên đình sẽ xuống thiêu rụi nhân gian. Mọi người chỉ còn cách treo đèn lồng trước cửa và ngoài đường trong ngày 15 để đánh lừa hỏa thần. Hán Vũ Đế nghe theo và lệnh cho toàn bộ người dân phải treo đèn lồng. Và rồi nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn, cô gái trẻ đã lén trốn về thăm cha mẹ thành công.
- Truyền thuyết thứ ba:
Trong sách “Ngày Tết Trung Quốc”, thông tin về Tết Nguyên Tiêu được cho là có từ đời Hán. Cụ thể là Hán Văn Đế sau khi dẹp yên được cục diện rối ren gây ra bởi họ Lã đã lên ngôi. Ngày ông lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng Giêng, từ đó theo lệ mỗi năm vua sẽ dạo chơi ngoài cung trong đêm rằm tháng Giêng. Chữ “Dạ” (đêm) còn có cách đọc khác là “Tiêu” nên Hán Văn Đế chọn ngày này làm Tết Nguyên Tiêu.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì?
Mâm cúng rằm tháng giêng không có yêu cầu chặt chẽ mà sẽ có sự khác biệt tùy theo văn hóa của mỗi địa phương. Thông thường mâm cỗ cúng có thể làm cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món ăn phong phú. Ngoài ra cúng rằm tháng giêng cũng cần lưu ý đôi chút về ngày giờ để mọi chuyện hanh thông nhé!
Cúng Rằm tháng Giêng vào giờ nào, ngày nào?
- Cúng rằm tháng giêng vào Ngày 15 tháng 1 âm lịch: Rằm tháng giêng được cúng vào lúc chính rằm (tức ngày 15). Nhưng đôi khi gia đình có thể linh hoạt cúng trong ngày 14-15 tùy vào điều kiện của mình.
- Giờ Thìn (7h-9h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Mùi (13h-15h) của ngày 15 tháng 1. Nếu cúng sớm trong ngày 14 thì cúng vào Thìn (7h-9h), giờ Tỵ (9h-11h) Giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h). Nói chung chỉ cần cúng rằm trước 19h ngày 15 tháng 1 âm lịch là được.
Mâm cúng gia tiên
Mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào Tết Nguyên Tiêu khá cầu kỳ với yêu cầu 4 bát và 6 đĩa. Ngày nay đã không còn quá khắt khe về việc chọn cỗ cúng. Mọi người thường chọn một số món trong những món ăn sau để làm mâm cỗ cúng gia tiên:
- Trái cây
- Chả giò nem rán
- Rau trộn
- Gà luộc
- Chè trôi nước
- Xôi
- Bánh chưng
- Đĩa củ kiệu
- Canh bóng
- Canh mọc
- Canh măng
- Canh miến
Mâm cúng Phật rằm tháng giêng
Mâm cỗ chay cúng Phật trong ngày 15 tháng giêng khá đơn giản, hầu hết là những món quen thuộc. Lưu ý nhỉ là các món ăn nên theo 5 màu chủ tượng trưng cho ngũ hành với ngụ ý mong muốn cầu mong yên ấm, an lành.
- Trái cây
- Bánh tét bánh chưng
- Canh rau củ chay
- Rau thập cẩm xào chay
- Chè trôi nước
- Xôi đậu
Văn khấn tết nguyên tiêu
Văn khấn là điều không thể thiếu trong các dịp lễ cổ truyền quan trọng. Vào ngày rằm tháng giêng âm lịch người ta thường chọn văn khấn gia tiên, văn khấn thần tài và văn khấn phật.
Bài cúng tết nguyên tiêu cho gia tiên
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài bản cảnh Thành hoàng, ngài bản xứ Thổ địa, ngài bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỉ, thúc bá đệ huynh, cô di, tỉ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ………………………………………..
Ngụ tại:………………………………………………………………
Hôm nay là ngày rằm tháng giêng năm…….. gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ khảo, Tổ tỉ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ………………. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
Văn khấn thần tài ngày rằm
Con niệm Nam mô A Di Đà Phật!
Con niệm Nam mô A Di Đà Phật!
Con niệm Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần
– Con kính lạy ngài Đông trù tư mệnh táo phủ Thần quân
– Con kính lạy ngài Gia Môn Thổ Phủ, Thổ Chủ Tài Thần
– Con kính lạy các ngài Thần Tài vị tiền
– Con kính lạy Tiền Hậu địa chủ chư vị linh thần
– Con kính lạy Bản xứ Thổ địa Phúc Đức Chính thần
– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong khu vực này.
Tín chủ chúng con là:… Ngụ tại:… Là (nhà ở, nơi kinh doanh buôn bán, công ty):… Kinh doanh…
Hôm nay là ngày rằm tháng…. năm…. âm lịch, tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị, thổ địa và chư vị Tôn Thần chứng giám.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, hanh thông thịnh vượng, âm phù dương trợ, đắc ngộ quý nhân, thương mại hanh thông, lộc tài tăng tiến, khách xa dẫn đến, khách gần dẫn lại.
Con cầu xin các ngài phù hộ cho:…
Nhận được nhiều hợp đồng lớn, gặp được nhiều khách hàng tốt, thực hiện công việc hợp đồng được hanh thông, đạt kết quả cao, để tín chủ chúng con có tài, có lộc, có ngân có xuyến, trên lo việc âm công phúc đức, dưới gánh việc gia trung, để (cửa hàng, công ty…) ngày càng phát triển.
Kính xin các ngài sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
Bài cúng rằm tháng giêng cho Phật
Văn khấn rằm tháng Giêng tại chùa theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hoá Thông tin.
Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (3 lần, mỗi lần lạy 1 lạy)
(Cầm 3 nén hương quỳ đọc tiếp)
Nguyện mây hương lành này,
Biến khắp mười phương giới,
Trong có vô biên Phật,
Vô lượng hương trang nghiêm,
Viên mãn đạo Bồ Tát,
Thành tựu hương Như Lai. (1 lạy, và cắm hương vào bát hương)
Dâng hương cúng dàng rồi, dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (1 lạy)
(Thành kính chấp tay thành búp sen đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật)
Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại Chân Như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Án phạ nhật ra hồng. (3 lần)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)
Con nay đều vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, dốc lòng sám hối. (1 lạy)
(Quỳ đọc) Chí tâm sám hối:
Xưa kia gây nên bao ác nghiệp
Đều vì ba độc: tham, sân, si
Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra
Hết thảy con nay xin sám hối.
Như vậy tất thảy bao nghiệp chướng
Ắt hẳn tiêu diệt không tàn dư
Niệm niệm âm vang tận pháp giới
Độ khắp chúng sinh nhập Bất Thoái. (1 lạy)
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con kính lễ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật ở khắp mười phương. (1 lạy).
Những lưu ý trong ngày Tết Nguyên tiêu
Nhắc đến những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc không thể bỏ qua ngày Tết nguyên tiêu. Trong ngày lễ này, mọi người sẽ chuẩn bị một mâm cúng thật sung túc, tươm tất và chu đáo. Bên cạnh chăm làm việc tốt, hành thiện thì còn cần tránh một số điều sau để ngày Nguyên tiêu được trọn vẹn:
- Không sát sinh: Sát sinh vào tết nguyên tiêu sẽ khiến tài vận bị suy giảm, dễ gặp tai nạn, bệnh tật. Vào ngày này người ta thường đi chùa cầu bình an và ăn chay, cúng cỗ chay.
- Không câu cá: Việc câu cá được cho là sát sinh, cắt đứt mạch sống của sinh linh, sẽ dẫn đến vận rủi trong năm mới.
- Không văng tục chửi thề: Người ta cho rằng chửi bậy, nói xấu vào tết nguyên tiêu sẽ khiến cả năm đầy thị phi và rắc rối. Bạn cần giữ thái độ điềm tĩnh và cẩn thận lời ăn tiếng nói vào ngày này.
- Không làm vỡ đồ: Làm vỡ, hỏng đồ vật trong dịp này sẽ khiến tài phúc hao tổn do đó hãy cẩn thận nhé!
- Không cho mượn tiền: Mượn tiền 15 tháng giêng được cho là sẽ làm mất đi tài khí, cần tránh cho vay mượn trong ngày này.
- Kiêng mặc đồ trắng đen: 2 màu sắc này dễ làm liên tưởng đến người đã khuất vì thế người ta thường tránh mặc chúng trong tết nguyên tiêu để ngăn vận xui.
- Không chải tóc, soi gương vào nửa đêm: Chải tóc vào thời khắc giao thời âm dương trong rằm tháng giêng được cho là gây hại cho dương khí, là điều nên tránh.
- Kiêng chuyện vợ chồng: Trong quan niệm của người phương Đông, chuyện chăn gối cần được kiêng khem cẩn thận trong ngày rằm và mồng một nếu muốn tránh vận đen, xui xẻo đeo bám.
- Kiêng một số loại thực phẩm: Không ăn những món nặng mùi, hôi tanh như thịt chó, thịt mèo, thịt vịt,… là cách để tránh xui xẻo, đại hạn trong năm.
- Không để hũ gạo rỗng: Hũ gạo sâu tượng trưng cho sự no đủ, nhiều người có quan niệm là phải đổ đầy hũ gạo ngay từ khi vơi nửa và tuyệt đối không để hũ gạo nhà mình trống rỗng vào tết nguyên tiêu.
Những lời chúc tết nguyên tiêu hay và ý nghĩa
Lời chúc là phương tiện hữu hiệu nhất để bày tỏ tấm lòng đến những người thân yêu. Vào ngày rằm tháng giêng bạn nên thường xuyên nói lời hay ý đẹp, chúc phúc cho mọi người. Sau đây là một số câu chúc tết nguyên tiêu vừa hay lại ý nghĩa bạn có thể tham khảo:
- Năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
- Năm mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc bên bạn bè, người thân, người thương của mình.
- Năm mới lại đến, năm cũ vừa qua, kính chúc gia đạo thuận hòa, song thân đắc thọ, vận may thường đến vận rủi đi qua, mọi người cùng đồng lòng vượt khó.
- Sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn trong công việc cũng như cuộc sống
- Năm mới ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, chúc bạn một năm mới thật trọn vẹn.
- Năm hết tết đến, chúc mọi người sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn và cầu được ước thấy.
- Đong cho đầy Hạnh phúc.
Gói cho trọn Lộc tài.
Giữ cho mãi An Khang.
Thắt cho chặt Phú quý.
Hứng cho tròn An Khang.
Cả nhà đều Sung túc.
- Chúc bạn sẽ có một năm mới vạn sự như ý, công danh tấn tới, tài lộc đầy nhà..
- Mỗi ngày của năm mới sẽ luôn gặp nhiều may mắn, niềm vui, và hạnh phúc.
Rằm tháng giêng là một trong những ngày rằm quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt. Trên đây là những thông tin xoay quanh ngày tết nguyên tiêu như nguồn gốc, ý nghĩa và những hoạt động nên hay không nên làm trong ngày này. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tết nguyên tiêu là gì để đón tháng giêng tới đầy may mắn và thuận lợi.